Chúc mừng Nhóm Sinh viên Phạm Văn Việt - 18CDT1, Nguyễn Lương Nhân - 18CDT1 đến từ Khoa Cơ Khí- Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng đã xuất sắc đạt Giải Nhất tại Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học thành phố năm 2021với đề tài “Nghiên cứu ứng dụng Cảm biến Kinect phục vụ quá trình tạo mẫu tay chân giả cho người khuyết tật”. Nhóm tác giả đã đề xuất ra một quy trình tạo mẫu tay chân giả sử dụng cảm biến hình ảnh Kinect có giá thành thấp hơn nhiều so với máy quét hình công nghiệp để quét các phần chi bị cụt và ứng dụng công nghệ in 3D để chế tạo các ổ mỏm cụt.
Trong quá trình lên ý tưởng, nhóm tác giả cùng Thầy hướng dẫn là Thầy TS. Phan Nguyễn Duy Minh từng bước xác định vấn đề của đề tài và tìm ra giải pháp để giải quyết. Hiện nay, một số nước trên thế giới ứng dụng thành công công nghệ quét hình và in 3D phục vụ cho lĩnh vực chế tạo chi giả cho người khuyết tật, đặc biệt phục vụ cho công đoạn lấy mẫu mỏm cụt để chế tạo ổ chứa mỏm cụt (Socket) của Chân giả. Trong khi đó tại Việt Nam thì công nghệ này chưa được phổ biến. Công nghệ này giúp chúng ta giải quyết được những khuyết điểm của phương pháp cũ, tạo ra một bộ phận tay chân giả một cách nhanh chóng, vừa vặn với từng bệnh nhân mà giá cả lại hợp lí và góp phần đưa Việt Nam bắt kịp với công nghệ quét hình, in 3D trong chế tạo chi giả trên thế giới. Thông thường để lấy mẫu hình dạng và kích thước cơ thể người ta sử dụng các máy quét hình 3D công nghiệp có chi phí rất đắt. Chính vì vậy, để có thể giải quyết vấn đề về chi phí, phù hợp với điều kiện kinh tế ở Việt Nam ,trong nghiên cứu này, nhóm đã nghiên cứu và đề xuất một quy trình công nghệ tạo mẫu tay chân giả phục vụ người khuyết tật dựa vào công nghệ quét hình 3D sử dụng cảm biến Kinect vốn là một là thiết bị cảm biến ngoại vi thu chuyển động phát triển bởi Microsoft.
Thầy Phan Nguyễn Duy Minh chia sẻ: "Tôi rất vui khi đề tài nghiên cứu của các em sinh viên được chọn vào vòng chung kết và may mắn đạt giải nhất cuộc thi. Đây là cơ hội rất tốt để các em được rèn luyện bản thân, trao đổi chuyên môn với các bạn đến từ các Trường Đại học khác trên địa bàn TP và đặc biệt có cơ hội được nghe những góp ý chuyên môn từ Hội đồng Ban giám khảo, những định hướng để phát triển đề tài trong thời gian tới. Thông qua đây cho phép tôi và các em sinh viên gửi lời cảm ơn đến các Thầy, Cô trong Ban giám hiệu Nhà trường, Phòng QLKH& HTQT, Ban chủ nhiệm Khoa Cơ khí và Bộ môn Cơ điện tử đã ủng hộ và hỗ trợ Thầy và trò trong suốt thời gian vừa qua."